Thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học đã được áp dụng nhằm phát triển ngành chè như tăng cường các biện pháp thâm canh, thay thế giống chè cũ cho năng suất thấp trồng bằng hạt sang trồng các loại chè mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhân giống bằng phương pháp dâm hom đã được áp dụng.
Năm 2010, Nghệ An phấn đấu xuất khẩu khoảng 12.000 tấn chè búp khô, đạt kim ngạch 13-14 triệu USD, chiếm 5,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh; thị trường chính vẫn là các nước Trung Đông, EU, ASEAN, Mỹ, Nga, Đài Loan.
Để đạt mục tiêu trên, Nghệ An tiến hành mở rộng vùng nguyên liệu, tập trung trồng các giống chè chất lượng cao để cải tạo quỹ gen chè và giống chè hiện nay. Bên cạnh đó, cải tiến cơ bản cơ cấu phân bón, trồng cây xanh, cây bóng mát theo phương thức kết hợp nông lâm; cải tạo hệ thống canh tác, chú trọng công tác thủy lợi để đưa diện tích tưới vào thâm canh cao; đồng thời thực hiện chương trình khuyến nông từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và chế biến chè.
Về chế biến sản phẩm, các công ty xuất khẩu chè cải tạo nâng cấp thiết bị, đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến chè để cân đối năng lực sản xuất; tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và công nhân chế biến chè.
Để tạo lập và mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh chè thực hiện phương châm "chất lượng là sống còn, khách hàng là thượng đế", coi trọng chữ tín trong quan hệ buôn bán với bạn hàng, tăng cường tiếp thị, quảng cáo giới thiệu thương hiệu sản phẩm, đa dạng hóa hình thức kinh doanh.
Chè được xem là cây công nghiệp mũi nhọn và trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nghệ An. Khí hậu Bắc Trung Bộ khiến chè ở Nghệ An có hàm lượng chất tanin cao nên chè thành phẩm có vị chát đậm, tạo nên sự khác biệt với chè ở các vùng khác.
Sản phẩm chế biến của tỉnh là chè đen cánh nhỏ, chè đen cánh to và chè xanh với tỷ lệ khoảng 70% và 30% chè xanh tùy theo thị trường được các nước ưa chuộng. Hiện tổng diện tích chè ở Nghệ An là gần 6.000ha, tập trung ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn và rải rác ở một số huyện khác.
Đến nay, tỷ lệ chè giống mới như PH1, PH2 trồng bằng phương pháp dâm hom đã đạt trên 90% diện tích chè toàn tỉnh, năng suất đạt 76,12 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 34.000 tấn, sản lượng chè khô đạt trên 6.000 tấn. Tổng công suất của các cơ sở chế biến chè trong toàn tỉnh đạt 324 tấn chè búp tươi/ngày.
Hiện toàn tỉnh có 6 dây chuyền chế biến chè đen và 11 dây chuyền chế biến chè xanh. Với tổng năng lực chế biến 146 tấn chè tươi/ngày, Công ty Đầu tư phát triển Chè Nghệ An đang giữ vai trò chủ đạo trong trồng và chế biến chè ở Nghệ An.