Nhắc đến Nghệ An, người ta thường nghĩ ngay đến cam Vinh hay chè xanh, bởi đây là những loại mặt hàng đã nổi tiếng không chỉ trên thị trường tỉnh nhà mà cả trên thị trường cả nước, do có chất lượng thơm ngon. Cây cam của tỉnh ta được hình thành rất sớm tại vùng Xã Đoài thuộc bao gồm huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc và vùng Phủ Quỳ bao gồm ba huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Mãi đến năm 2010 cam Vinh mới được đón nhận văn bằng chứng nhận "Chỉ dẫn địa lý cam Vinh" tại đơn vị chủ tịch Hiệp hội cam Vinh là Nông trường Xuân Thành - Quỳ Hợp. Có thể nói đây chính là một bước ngoặt, một bước tiến dài trên con đường tiến đến trời Âu hay những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản,... của thương hiệu cam Vinh. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ! Ban lãnh đạo Công ty NN Xuân Thành - Quỳ Hợp tiếp tục là đơn vị đi đầu trong việc sản xuất cam đảm bảo tiêu chuẩn "Quả an toàn" và làm bước đệm cho việc công nhận là vùng sản xuất quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để chè xanh trở thành loại hàng hóa cần được đầu tư theo hướng Viet GAP. Ảnh: Xuân Hoàng
Ở tỉnh ta, nước chè xanh xuất hiện khắp nơi từ những quán nước vỉa hè để phục vụ cho khách, chủ yếu là những thanh, thiếu niên còn trẻ tuổi; trong mỗi làng quê, mỗi gia đình; cho đến những nơi công sở. Nhưng đó là những lá chè tươi, còn nếu như muốn chè xanh trở thành loại hàng hoá lưu thông rộng khắp cả nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài thì chè phải được qua sơ chế đóng gói cẩn thận và đặc biệt là phải có thương hiệu và đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 6.000 ha chè xanh, tuy nhiên việc sản xuất chè còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung sản xuất, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Mãi đến năm 2011 mới có dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGAP tại huyện Anh Sơn" do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ - Nghệ An chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai trên quy mô 10 ha, mục tiêu đã được đề ra là xây dựng thành công mô hình sản xuất chè nguyên liệu theo hướng VietGAP với công suất 50 tấn/năm. Đây là mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hy vọng việc triển khai dự án sẽ là tiền đề, là bàn đạp để hướng đến việc sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP trong tương lai. Ngày mà cam Vinh hay chè Nghệ An có thể trở thành mũi nhọn xuất khẩu hay có thể đặt chân tới trời Âu và các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật bản,... dù xa hay gần thì cũng là chuyện trong tương lai. Còn hiện tại hai loại mặt hàng nông sản này vẫn chưa có một bảo chứng nào để người tiêu dùng trong và ngoài nước tin cậy, cho nên do chất lượng thơm ngon nên người dùng vẫn cứ dùng nhưng lo thì vẫn cứ lo. Theo xu thế phát triển ngày càng cao của xã hội sẽ không sai khi gọi thời này là "Thời của GAP", và nếu như các mặt hàng nông sản của chúng ta không nhanh chóng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì sớm hay muộn gì chúng ta cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả của "Cơn bão GAP"! |