Để cây chè Nghệ An trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh và phẩm chè có chất lượng, giá trị kinh tế cao, mang tính sản xuất hàng hóa và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu, năm 2011, sở Khoa học & Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí để Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ Nghệ An triển khai thực hiện dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGAP tại huyện Anh Sơn".
Mục tiêu của dự án là xây dựng thành công mô hình sản xuất chè nguyên liệu theo hướng VietGAP, quy mô 10 ha; xây dựng thành công mô hình chế biến chè theo hướng VietGAP công suất 50 tấn/năm; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và chế biến chè xanh theo hướng VietGAP cho 30 người là cán bộ, công nhân và nông dân trồng chè.
Một số nội dung chính của dự án: Điều tra, khảo sát, lựa chọn địa điểm và hộ dân tham gia xây dựng mô hình: Đơn vị chủ trì đã tiến hành điều tra khảo sát tại vùng trồng chè Khe Lông và Cồn Trường xã Hùng Sơn. Đã tiến hành điều tra, đánh giá các chỉ tiêu về thực trạng sản xuất, chế biến chè, tập quán canh tác của người dân trên địa bàn và thu thập thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến chè và lựa chọn vùng chè Khe Lông xã Hùng Sơn làm địa điểm triển khai mô hình với quy mô 10 ha.
Thu hoạch chè ở Tổng đội TNXPII -Ảnh: Mai Hoa
Cơ quan chủ trì đã phối hợp với Viện Nông hóa Thổ nhưỡng tiến hành lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu môi trường đất, nước tại vùng chè Khe Lông đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án cũng đã lựa chọn Xí nghiệp chè Hùng Sơn làm cơ sở chế biến và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia làm Tổ chức chứng nhận VietGAP. Quy chế, quy định của khu sản xuất chè nguyên liệu theo hướng VietGAP với các hộ sản xuất được lãnh đạo huyện, xã và hộ sản xuất chè nguyên liệu ký cam kết tuân thủ thực hiện.
Ngoài ra, các khâu tổ chức kiểm tra, giám sát nội bộ việc tuân thủ quy trình kỹ thuật; kiểm tra, đánh giá và phân tích tồn dư thuốc BVTV, kim loại nặng...; kiểm tra, chứng nhận VietGAP cho sản phẩm chè xanh Hùng Sơn; công bố sản phẩm chè xanh Hùng Sơn được sản xuất theo hướng VietGAP và sử dụng logo VietGAP cho sản phẩm chè xanh Hùng Sơn cũng sẽ được cơ quan chủ trì và các hộ tham gia triển khai một cách nghiêm túc.
Đây là mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP đầu tiên được triển khai tại tỉnh ta. Hy vọng, việc triển khai dự án sẽ giúp chè Nghệ An nâng cao được vị thế trên thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, Dự án nói trên sẽ giúp chính quyền và nhân dân địa phương áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ xây dựng được một vùng canh tác bền vững và bước đầu hình thành một hướng sản xuất mới trong nông nghiệp - sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ môi trường bền vững.