Chè là cây thu lá, bởi vậy rất khát khao nước. Nước là yếu tố quyết định tới 30-40% năng suất chè. Năng suất chè bình quân tỉnh ta đang rất thấp: mới đạt 5,5-6,5 tấn/ ha, trong lúc đó năng suất chè thâm canh ở một số nơi đã 25-30 tấn/ ha. Bởi vậy, khi Nghị quyết 02 của tỉnh về thuỷ lợi cho cây trồng cạn ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng đầu tư, thâm canh của rất nhiều hộ dân và các xí nghiệp
Mô hình tưới nước trực tiếp lên chè ở XN chè Thanh Mai trị giá 90 triệu đồng, tưới cho 10 ha, năng suất tăng bình quân 30% càng chứng minh nhu cầu bức bách về nước tưới. Công ty đầu tư phát triển chè Nghệ An đã đầu tư dự án xây dựng hồ chứa nước Khe Mương tại xí nghiệp chè Ngọc Lâm, tổng mức đầu tư 816 triệu đồng, đã đưa vào sử dụng, dự án xây dựng hồ chứa nước 30/4 tại XN chè Bãi Phủ trị giá 928 triệu, dự án đầu tư hồ chứa nước Khe Bùi tại hồ chứa nước Thanh Mai 800 triệu. Có nước nguồn, bà con mới hồ hởi đầu tư các trạm bơm nhỏ di động để tưới chè với nguồn hỗ trợ của ngân sách 40%. Năm 2005, 36 trạm bơm di động đã được xây dựng, mỗi trạm bơm trị giá trên dưới 10 triệu đồng, gồm hệ thống máy nổ, đường ống, bơm, bể điều tiết. Mỗi trạm bơm nhỏ tưới được từ 1 đến 3 ha chè. Năm 2006, bà con đã đầu tư thêm 41 máy, tổng kinh phí 354 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 141 triệu đồng. Nhiều hộ đầu tư hệ thống bơm đồng bộ, đường ống dài, bể lớn, trên 20 triệu đồng như trạm bơm trị giá 35,3 triệu đồng của ông Nguyễn Minh Châu ở XN chè Hạnh Lâm, để tưới cho 5 ha chè. Nhìn chung các hộ công nhân nông nghiệp tại các XN chè đều ý thức được tầm quan trọng của nước tưới nên đã mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, mới được 77 hộ. Khu vực chè của dân, của các tổng đội: TNXP2, TNXP 7, TNXP 8... chiếm hơn một nửa diện tích chè của tỉnh thì chưa được tưới do nguồn vốn đầu tư cho cây chè khó khăn và do chưa có nước nguồn. Vì vậy dù biết rõ vai trò của tưới nước, Sở Nông nghiệp & PTNT vẫn nhận định: công tác tưới cho cây chè hầu như chưa có, mới nằm ở mô hình và ở các hồ đập. Việc đa dạng các nguồn vốn cho tưới nước đối với cây chè là hết sức cần thiết. Người trồng chè, do không vay được vốn để tăng phân bón, chăm sóc, trồng mới nên không giám nghĩ đến nước tưới. Là một doanh nghiệp Nhà nước, Công ty ĐT phát triển chè Nghệ An không trường vốn để đầu tư cho bà con. Định mức đầu tư cho cây chè mới khoảng 40%/ha. Dù là cây làm giàu đối với nhiều huyện song vì hạn chế đầu tư, chăm sóc thành ra hiệu quả chưa xứng tiềm năng.
Vào những tháng cao điểm mùa chè như tháng 4, 5, 8, 9, nhu cầu về lao động thu hái chè rất cao, bởi chè cần được hái nhanh, đều, đúng dịp, đảm bảo một tôm và hai, ba lá. Các xí nghiệp chè như Hạnh Lâm, Thanh Mai, Ngọc Lâm, Bãi Phủ và cả những hộ dân làm diện tích nhiều đều thiếu lao động, phải thuê người làm. Hái chè thủ công vừa chậm, vừa hạn chế chất lượng chè do vậy việc đầu tư máy hái chè, đốn chè là một yêu cầu mà Bộ Nông nghiệp đặt ra cho các tỉnh. Công ty ĐTvà PT chè Nghệ An đang hợp đồng mua 6 máy hái chè, mỗi cái trị giá 15 triệu đồng của Nhật sản xuất. Theo công suất, một máy sẽ thay cho 20 nhân công hái. Các máy sẽ đưa về cho các xí nghiệp, sau đó tạo điều kiện về vốn cho bà con mua theo. Hiện nay do bà con hái chè bằng thủ công nên việc chỉnh trang các đồi chè chưa được chú trọng, do vậy chăm sóc hạn chế. Việc đưa cơ giới hoá vào thu hái chè đang rất hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chè. Đòi hỏi một cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước tương tự như chương trình máy cày, máy gặt. Bởi hiện nay, giá cả các loại vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng vọt ảnh hưởng lớn đến khả năng tái đầu tư của người trồng chè, nguồn vốn đầu tư cho trồng chè, mở rộng diện tích không ai lo cho bà con, thì lấy gì để cơ giới hoá?
Thị trường cho cây chè của tỉnh ta đang rộng mở, kim ngạch xuất khẩu ổn định từ 4 triệu USD trở lên. Cây chè đang là cây xoá đói nghèo, đến 2010, theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ phấn đấu đạt 13.000 ha (hiện mới trên 7000 ha). Vốn đầu tư, thâm canh cây chè, trong đó cả cơ giới hoá, bà con không thể tự lo.